“Choáng” với cơ sở có đủ giấy phép vẫn sai phạm

Thực hiện tháng cao điểm tấn công tội phạm trên các lĩnh vực về y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) dịp cuối năm, lực lượng cảnh sát môi trường Hà Nội phối hợp với lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện một cơ sở sản xuất mắm tép vi phạm nghiêm trọng ATVSTP, tại tổ 1 - Thạch Cầu - Long Biên - Hà Nội do Trần Kim Chi làm chủ. Điều đáng nói là cuối năm, số vụ vi phạm ATVSTP liên tục gia tăng và nguy hiểm hơn, cả cơ sở có đủ giấy tờ cấp phép cũng vi phạm.


Tại cơ sở sản xuất mắm tép vi phạm nghiêm trọng về ATVSTP, lực lượng chức năng phát hiện chủ cơ sở sử dụng nhiều nguyên liệu phụ gia, phẩm màu không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nghi ngờ có chứa chất tạo màu công nghiệp Rhodamine B, rất độc đối với sức khỏe người tiêu dùng. Ông Nguyễn Minh Khoán - Đội phó Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17 - Chi Cục QLTT Hà Nội cho biết, đã thu giữ toàn bộ hàng hóa và lấy mẫu đi giám định chất lượng. Được biết, cơ sở sản xuất này đi vào hoạt động từ năm 2009, có đầy đủ giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận VSATTP, Chứng nhận công bố chất lượng sản phẩm và đề án bảo vệ môi trường. Mỗi ngày cho xuất xưởng khoảng gần 200kg mắm tép. Làm một phép tính đơn giản có thể thấy số lượng mắm tép không đạt vệ sinh được xuất ra thị trường trong 3 năm qua là không hề nhỏ.


Hiện nay, theo luật định, để khởi tố hình sự đối với hành vi sử dụng các chất độc hại trong thực phẩm thì hành vi này phải gây hậu quả nghiêm trọng, tức phải có người chết hoặc ngộ độc hàng loạt lên đến hàng trăm người. Trong khi đó, những chất tồn dư trong thực phẩm không làm chết người hay gây ngộ độc ngay mà gây tác hại lâu dài, cực kỳ nguy hại đối với sức khỏe con người và có sức ảnh hưởng rộng lớn.


Không chỉ vi phạm về VSATTP, cơ sở này còn xả nước thải do sản xuất ra thẳng môi trường. Theo trung tá Phạm Giang Sơn - Đội trưởng đội VSATTP và y tế - Phòng Cảnh sát môi trường - Công an TP. Hà Nội, đề án bảo vệ môi trường yêu cầu phải có hệ thống để xử lý chất thải, nhưng cơ sở không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, mà cho trực tiếp ra ao, hồ xung quanh.

Những vi phạm về VSATTP luôn là vấn đề nhức nhối trong thời gian qua, nhiều vi phạm nghiêm trọng được lực lượng chức năng phát hiện, báo Sức khỏe&Đời sống đã có nhiều tin, bài phản ánh như: vụ việc sản xuất mắm tép chưng thịt được làm bằng thịt lợn chết, lợn bệnh bị lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện cách đây 2 tháng; buôn bán thịt gia súc, gia cầm vi phạm nghiêm trọng VSATTP tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung... Thế nhưng, với mức xử phạt về vấn đề VSATTP như hiện nay, chắc chắn không đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Theo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an, tình hình tội phạm vi phạm VSATTP ngày càng diễn biến phức tạp. Các vụ vi phạm VSATTP là rất nghiêm trọng và vô cùng nguy hiểm, gây hại cho sức khỏe người dân. Tuy nhiên, mức phạt có thể áp dụng với loại vi phạm này hiện nay là quá thấp và chỉ mới có thể xử phạt vi phạm hành chính.

Theo dẫn chứng của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Cục đã từng bắt những vụ cho hàn the vào giò chả với khối lượng lên đến 8 tấn. Thậm chí, nhiều vụ các đối tượng vi phạm bỏ chất độc hại như formaldehyde vào bánh phở. Chỉ tính riêng tiền lưu kho, đốt xử lý hàng hóa vi phạm đã chi phí hết 50 triệu đồng. Trong khi đó, theo quy định, chỉ có thể xử phạt đối tượng vi phạm... 5 triệu đồng. Điều này rất bất cập vì mức phạt không gây tổn thất kinh tế, không hề có tính răn đe đối tượng vi phạm.

Vì vậy, đã đến lúc cần khẩn cấp nghiên cứu, ban hành danh mục các chất cấm sử dụng trong thực phẩm, đồng thời định lượng hàm lượng, mức độ độc hại của các chất để lực lượng chức năng có cơ sở vận dụng luật pháp để xử lý hình sự.

Trong khi bài báo đang lên khuôn, thông tin từ CATP Hà Nội cho biết, lực lượng chức năng đang tiến hành bắt giữ hàng loạt vụ vi phạm ATVSTP. Chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đề nghị sử dụng từ ngữ lịch sự hoặc nhận xét sẽ không bao giờ được hiển thị