Giấy phép kinh doanh Internet ở tp.Hồ Chí Minh

Tại TP.HCM hiện nay, giấy phép kinh doanh Internet được rao bán khá phổ biến với nhiều mức giá khác nhau. Giống như bao món đồ cũ khác, dân trong nghề gọi giấy phép đã bị sang tên là giấy second-hand. Nhưng là “gin” hay second - hand thì mỗi tờ giấy phép cũng được rao với giá vài chục triệu đồng.

Khuyến mãi cả... cửa hàng Chẳng khó khăn gì để tìm kiếm thông tin về mua bán giấy phép kinh doanh (GPKD) Internet trên các trang rao vặt hiện nay. Chỉ cần gõ dòng chữ "giấy phép kinh doanh Internet", chúng tôi đã có trong tay hàng chục thông tin về GPKD mà người ta đang rao bán từ các quận trung tâm cho đến các quận huyện xa như Thủ Đức, Củ Chi...

Tại một tiệm Internet trên đường Nguyễn Tất Thành (Q.4), chủ tiệm là ông Đ. ra giá cho cái GPKD Internet đứng tên ông là 40 triệu đồng bao sang tên. Ông Đ. cho rằng giá đó là mềm và bảo đảm ở quận này không có chỗ nào "bán" rẻ như ông (!?). Một trường hợp khác, khi theo một địa chỉ trên mạng chúng tôi đã tìm đến nơi cần bán và được chủ của nó ra giá 20 triệu đồng.


Người rao bán GPKD này, anh B., khẳng định như đinh đóng cột rằng chẳng có ai bán với giá thấp hơn và nếu chúng tôi muốn rẻ thì trả thêm 30 triệu nữa, anh ta sẽ "khuyến mãi" luôn cả phòng máy tính của mình.


Còn anh Hoài, mở một tiệm kinh doanh trên địa bàn một quận nội thành, thì cho biết đã từng mua lại một giấy phép Internet với giá không dưới 30 triệu đồng vì phải tốn thêm tiền "lót tay" để được sang tên. Anh cho biết mất nhiều tiền như vậy vì quận không cấp giấy phép mới, anh muốn kinh doanh thì phải chịu.


Cấm mới "loạn"


Ông Lê Mạnh Hà, giám đốc Sở Bưu chính - viễn thông TP.HCM, cho rằng chủ trương của thành phố không xem kinh doanh Internet là một ngành nghề "nhạy cảm" để rồi cấm hay không cấm.

Thực hiện chủ trương đó, một số quận huyện tiếp tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh Internet không hạn chế (Q.2, 6, 7, 8, 11, Gò Vấp và huyện Hóc Môn); các quận huyện có qui hoạch tăng là Tân Bình, Thủ Đức, Củ Chi; các quận huyện khác thì ông Hà cho biết sở chưa có thông tin về chủ trương của họ.

Ông Lê Mạnh Hà cho biết tính đến 6-2006, số đại lý Internet trên toàn thành phố theo báo cáo của các quận, huyện là 3.875 điểm, tăng 76% so với năm 2005. Theo ông Hà, việc các quận huyện tiếp tục cấp phép đã góp phần tăng số người sử dụng Internet, tạo thêm việc làm, góp phần phát triển kinh tế và tất nhiên sẽ làm giảm việc mua bán sang nhượng giấy phép.

Việc tăng gần gấp đôi số đại lý trong sáu tháng sẽ làm giảm mạnh thị trường chợ đen. Ông cho rằng khi hoàn toàn không còn hạn chế cấp phép thì việc sang nhượng sẽ không có điều kiện để tồn tại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đề nghị sử dụng từ ngữ lịch sự hoặc nhận xét sẽ không bao giờ được hiển thị