3 bước để xây dựng và phát triển thương hiệu

Phần 3 - Thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Quyền của chủ sở hữu các đối tượng Sở hữu công nghiệp tại Việt Nam được ghi nhận và cụ thể hoá như sau:

1. Chủ sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích đã được bảo hộ có độc quyền:

Sản xuất (chế tạo, gia công, lắp ráp, chế biến, đóng gói) sản phẩm, bộ phận sản phẩm đang được bảo hộ là sáng chế, giải pháp hữu ích;

Áp dụng qui trình đang được bảo hộ là sáng chế, giải pháp hữu ích;

Khai thác sản phẩm, bộ phận sản phẩm đang được bảo hộ là sáng chế, giải pháp hữu ích;

Ðưa vào lưu thông; quảng cáo nhằm để bán; chào bán; tàng trữ để bán sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ;

Nhập khẩu sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ.
2. Chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ có độc quyền:

Sản xuất, đưa vào lưu thông, quảng cáo nhằm để bán, chào bán, tàng trữ để bán; nhập khẩu sản phẩm có hình dáng bên ngoài được bảo hộ với danh nghĩa là kiểu dáng công nghiệp.

3. Chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hoá đã được bảo hộ có độc quyền:

Gắn nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh,
Lưu thông, chào bán, quảng cáo nhằm để bán, tàng trữ để bán hàng hoá mang nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ được bảo hộ,
Nhập khẩu hàng hoá mang nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ được bảo hộ.
Pháp luật về Sở hữu công nghiệp Việt Nam qui định bất kỳ hành vi sử dụng, chiếm đoạt các đối tượng Sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ, vì mục đích thương mại mà không được phép của chủ Sở hữu, là hành vi xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp.

Các chế tài, biện pháp thực thi và giải quyết tranh chấp Quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam

Chủ sở hữu các đối tượng Sở hữu công nghiệp khi phát hiện hành vi xâm phạm có thể tự mình hoặc uỷ quyền đại diện cho chúng tôi gửi đơn tố cáo hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tới các cơ quan chức năng theo thủ tục và các chế tài sau đây:

1. Các biện pháp hành chính

Các cơ quan chức năng được trao quyền thực hiện các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Sở hữu công nghiệp (thực thi) bao gồm:

Thanh tra chuyên nghành về Sở hữu công nghiệp thuộc Bộ khoa học công nghệ và các Sở khoa học công nghệ và môi trường các Tỉnh, Thành phố,
Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Thương Mại, các Chi Cục và Ðội quản lý thị trường trực thuộc,  
Cảnh sát kinh tế Trung ương và địa phương,
Tổng Cục Hải quan và Hải quan các cửa khẩu trên toàn Quốc.    
Cục Sở hữu công nghiệp thuộc Bộ khoa học và công nghệ không trực tiếp thực hiện các biện pháp thực thi Quyền Sở hữu công nghiệp, song đây là cơ quan chuyên môn trực tiếp, trong nhiều trường hợp, theo yêu cầu của các cơ quan chức năng hoặc các bên liên quan, Cục Sở hữu công nghiệp sẽ tiến hành xem xét và đưa ra ý kiến thẩm định chính thức bằng văn bản có hay không hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Trên thực tiễn các hoạt động thực thi quyền SHCN tại Việt nam, ý kiến thẩm định  của Cục Sở hữu công nghiệp là tiền đề cơ bản để các cơ quan chức năng thực hiện hoặc không thực hiện các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính.

2. Ðơn tố cáo hành vi xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp

Ðơn tố cáo hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tới các cơ quan chức năng cần kèm theo những tài liệu sau:

Tài liệu chứng minh quyền Sở hữu công nghiệp như bản sao văn bằng bảo hộ, trích lục đăng bạ SHCN,
Ảnh chụp mẫu nhãn hiệu và hàng hoá mang nhãn hiệu, kiểu dáng, sản phẩm, bộ sản phẩm xâm phạm sáng chế,
Tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi xâm phạm,
Ý kiến thẩm định bằng văn bản của Cục Sở hữu công nghiệp về hành vi xâm phạm,
Giấy uỷ quyền đại diện (nếu thông qua tổ chức đại diện SHCN).
3. Các chế tài hành chính

Các cơ quan chức năng thực thi quyền Sở hữu công nghiệp được trao quyền để áp dụng các chế tài hành chính sau:

 Thanh tra, kiểm tra cơ sở, cửa hàng, kho tàng của các cá nhân, tổ chức bị tố cáo/phát hiện có hành vi xâm  phạm Quyền sở hữu công nghiệp,
Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5. 000. 000 đồng đến 20. 000. 000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp,
Phạt tiền từ 20. 000. 000 đồng đến 50. 000. 000 đồng trong trường hợp tái phạm và từ 50. 000. 000 đồng đến 100. 000. 000 đồng trong trường hợp vi phạm có tổ chức, quy mô lớn nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự,
Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh từ 1 đến 6 tháng hoặc không thời hạn,
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, buộc loại bỏ các yếu tố vi phạm, buộc bồi thường thiệt hại.  
Thủ tục và các chế tài dân sự

1. Thủ tục xét xử dân sự

Hiện chưa có các toà án chuyên trách việc xét xử các vụ án về tranh chấp và xâm phạm  Quyền sở hữu công nghiệp tại Việt nam. Trên thực tiễn hiện nay các vụ kiện về Sở hữu công nghiệp thường do các toà án Tỉnh, Thành trực thuộc Trung Ương thụ lý và xét xử theo thủ tục chung. Ðặc biệt trong các trường hợp có yếu tố nước ngoài thì Toà án có thẩm quyền sẽ là Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Toà án Nhân dân thành phố Hà nội theo nguyện vọng của nguyên đơn.

Phán quyết của toà án sở thẩm có thể bị kháng cáo, kháng nghị và xem xét lại bởi toà án phúc thẩm theo trình tự và thủ tục tố tụng dân sự.

Trên thực tế thường mất từ 06 tháng đến 01 năm để toà án thụ lý và giải quyết một vụ tranh chấp về Sở công nghiệp tại một cấp xét xử.            

2. Các chế tài dân sự

Khi thụ lý hồ sơ, dựa vào yêu cầu của nguyên đơn và những đánh giá ban đầu, Toà án có thể thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời như yêu cầu chấm dứt hoạt động sản xuất , kê biên, niêm phong, ngừng thông quan v. v.

Nguyên đơn có thể yêu cầu Bên có hành vi xâm phạm bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gây ra, cải chính, xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng v. v..  

 Thủ tục và các chế tài hình sự

1. Ðối với các hành vi xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến  trật tự và lợi ích công chúng, chủ sở hữu đối tượng Sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ hoặc bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có thể tố cáo hành vi xâm phạm đến cơ quan bảo vệ pháp luật,

Toà án có thẩm quyền là các toà án Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương nơi xảy ra hành vi xâm phạm. Trong trường hợp có yếu tố nước ngoài, toà án Thành phố Hà nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có thẩm quyền xét xử.

Phán quyết của toà án sở thẩm có thể bị kháng cáo, kháng nghị và xem xét lại bởi toà án phúc thẩm theo trình tự và thủ tục tố tụng hình sự.

2. Các chế tài hình sự

Các tổ chức, cá nhân vì mục đích kinh doanh có hành vi chiếm đoạt, sử dụng bất hợp pháp các đối tượng Sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ tại Việt nam gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm.

Phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Các hình thức phạt bổ sung: Phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Kinh nghiệm hoạt động và dịch vụ trợ giúp thường xuyên

Một kinh nghiệm trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chúng tôi muốn gửi tới các doanh nghiệp là khi phát hiện ra hành vi xâm phạm Quyền sở hữu công nghiệp của mình, doanh nghiệp nên thực hiện ngay lập tức các biện pháp ngăn chặn, xử lý tránh để tình trạng xâm phạm diễn ra tràn lan sẽ rất khó khăn và tốn kém trong việc xử lý về sau.

Qua các hoạt động tư vấn và đại diện của chúng tôi cho các doanh nghiệp Viêt nam và nước ngoài trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp cho thấy các biện pháp hành chính là tỏ ra có hiệu quả hơn cả vì các chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra không cao, thời gian nhanh chóng từ 3 tuần đến 01 tháng để kết thúc sự việc.  

Ðể thực hiện các biện pháp xử lý nhanh chóng, có hiệu quả, theo kinh nghiệm của chúng tôi các doanh nghiệp nên xem xét các biện pháp sau:

1. Xác lập cơ sở pháp lý vững chắc cho Quyền SHCN

Hiện tượng xâm phạm nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam đang diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi và thể hiện ở nhiều biến thể khác nhau bên cạnh đó hệ thống pháp luật về Sở hữu công nghiệp đang trong giai đoạn sửa đổi, hoàn thiện do vậy để có cơ sở pháp lý vững chắc ngăn chặn hiệu quả các hành vi xâm phạm nhãn hiệu hàng hoá, ngoài nhãn hiệu hàng hoá đã đăng ký, các doanh nghiệp cần xem xét đăng ký mở rộng:

Nhãn hiệu hàng hoá
Phạm vi hàng hoá/dịch vụ mang nhãn hiệu
2. Các biện pháp thường xuyên và lâu dài.

Ðể nắm bắt và có biện pháp ngăn chặn sớm ngay từ đầu các hành vi xâm phạm, doanh nghiệp cần thực hiện việc tra cứu thường xuyên theo chu kỳ các dữ liệu từ Cục Sở hữu công nghiệp nhằm xác định diễn biến và tình trạng pháp lý các NHHH và KCND của các doanh nghiệp cùng lĩnh vực. Trên cơ sở kết quả tra cứu, chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá, tư vấn và đại diện trong các biện pháp ngăn chặn thích hợp.

Bên cạnh đó, đội ngũ các điều tra viên của chúng tôi luôn thực hiện các hoạt động kiểm tra, rà soát trên thị trường, các nguồn thông tin từ báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, tài liệu quảng cáo...  nhằm phát hiện sớm và thông tới các doanh nghiệp các hành vi xâm phạm quyền  sở hữu công nghiệp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đề nghị sử dụng từ ngữ lịch sự hoặc nhận xét sẽ không bao giờ được hiển thị