Người không phải là thành viên tổ chức “Nhãn hiệu tập thể” nhưng vẫn sử dụng nhãn hiệu này gây ra hậu quả như thế nào?

Việc các tổ chức, cá nhân sử dụng các nhãn hiệu tập thể đang được bảo hộ cho chủ thể khác sẽ dẫn tới các rủi ro pháp lý hết sức nguy hiểm cho chính tổ chức, cá nhân này. Việc sử dụng trái phép nhãn hiệu tập thể này có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ của chủ thể khác và do đó có thể bị xử phạt rất nặng (mức tối đa lên đến 500 triệu đồng và trong tương lai mức phạt này còn có thể được tăng lên theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính mới ban hành). 

Ngoài việc bị xử phạt, các hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tập thể đang được bảo hộ cũng có thể bị buộc phải loại bỏ các yếu tố xâm phạm quyền hoặc bị tiêu hủy (nếu không loại bỏ được yếu tố xâm phạm). Hơn nữa, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tịch thu lợi nhuận bất chính cũng như các phương tiện kỹ thuật dùng vào việc vi phạm (nhà xưởng, máy móc, phương tiện vận tải).

Có thể nói, các thiệt hại về kinh tế đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nói chung cũng như nhãn hiệu tập thể nói riêng là rất lớn. Bên cạnh đó, uy tín của chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Việc bị xử lý về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của người khác có thể tạo nên tâm lý e ngại đối với khách hàng, khiến cho khách hàng tẩy chay các sản phẩm này mặc dù về mặt chất lượng, các sản phẩm này có thể có chất lượng tốt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đề nghị sử dụng từ ngữ lịch sự hoặc nhận xét sẽ không bao giờ được hiển thị