Quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vật liệu nổ

VLN quân dụng (QD) sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh và chỉ có hai đối tượng được phép sử dụng là quân đội, công an.

Đơn vị được giao nghiên cứu, chế tạo, bảo quản, sử dụng VLN QD phải thiết lập hệ thống tổ chức quản lý, kỹ thuật an toàn do lãnh đạo trực tiếp điều hành, chỉ đạo và phân công người có đủ trình độ, kinh nghiệm chịu trách nhiệm thực hiện công tác kỹ thuật an toàn tại mỗi bộ phận, vị trí có nguy cơ cao về sự cố, tai nạn cháy, nổ; có phương án bảo vệ an ninh, trật tự (AN, TT) và phương án, biện pháp phòng cháy và chữa cháy (PCCC); định kỳ tổ chức diễn tập PCCC, cứu hộ, cứu nạn. Các kho chứa VLN QD phải thiết kế, xây dựng theo đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố khẩn cấp, bảo đảm an toàn về vệ sinh môi trường. Việc vận chuyển VLN QD phải có mệnh lệnh hành quân, mệnh lệnh vận chuyển hoặc giấy phép vận chuyển của cấp có thẩm quyền; bảo đảm bí mật, an toàn; vận chuyển với số lượng lớn hoặc loại nguy hiểm phải có phương tiện chuyên dùng.



Siết chặt công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ

SẢN XUẤT, KINH DOANH VLN CÔNG NGHIỆP

VLN công nghiệp (CN) là VLN sử dụng cho mục đích sản xuất CN, kinh tế, dân sinh; sản phẩm VLN CN phải có ký hiệu, nơi sản xuất, năm sản xuất, hạn sử dụng.

Tổ chức sản xuất, kinh doanh VLN CN phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Tổ chức sản xuất VLN CN chỉ được bán sản phẩm đúng chủng loại cho các doanh nghiệp kinh doanh VLN CN.

Tổ chức kinh doanh VLN CN chỉ được bán VLN CN đã có trong danh mục VLN Việt Nam cho tổ chức có giấy phép sử dụng; phải mua lại VLN CN thừa, không sử dụng hết của các tổ chức được phép sử dụng; chỉ được kinh doanh tiền chất thuốc nổ, VLN CN theo đúng quy định tại giấy phép.

Việc nhập khẩu hoặc ủy thác nhập khẩu, mua tiền chất thuốc nổ chỉ được thực hiện giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh VLN CN; chủng loại sản phẩm, quy mô sản xuất phải phù hợp với quy hoạch phát triển VLN CN và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng và kỹ thuật an toàn.

Những người liên quan đến sản xuất, kinh doanh VLN CN phải đáp ứng các yêu cầu về AN, TT; có trình độ chuyên môn phù hợp và được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, PCCC, ứng phó sự cố.

Nhà xưởng, kho chứa, bến cảng, nơi tiếp nhận bốc dỡ, thiết bị, phương tiện vận chuyển VLN CN phải bảo đảm các điều kiện về AN, TT, bảo đảm khoảng cách an toàn đối với các công trình, đối tượng cần bảo vệ; phải được thiết kế, xây dựng phù hợp, đáp ứng các yêu cầu về bảo quản, vận chuyển VLN CN, PCCC.

VẬN CHUYỂN VLN CN

Tổ chức, đơn vị vận chuyển VLN CN phải là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành nghề vận chuyển hàng hóa hoặc được phép sản xuất, kinh doanh hoặc được phép sử dụng VLN CN; có phương tiện đủ điều kiện vận chuyển theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về kỹ thuật an toàn trong hoạt động VLN CN; đáp ứng các điều kiện an toàn về PCCC.

Người quản lý, người điều khiển phương tiện, áp tải và người phục vụ khác có liên quan đến vận chuyển VLN CN phải đáp ứng các yêu cầu về AN, TT; có trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện đề PCCC; có giấy phép (hoặc mệnh lệnh) vận chuyển; có biểu trưng báo hiệu phương tiện đang vận chuyển VLN CN. Phải thực hiện đúng nội dung ghi trong mệnh lệnh (hoặc giấy phép) vận chuyển; kiểm tra tình trạng hàng hóa trước khi xuất phát hoặc sau mỗi lần phương tiện dừng, đỗ và khắc phục ngay sự cố xảy ra; có phương án bảo đảm vận chuyển an toàn, AN, TT, PCCC; có biện pháp ứng phó sự cố khẩn cấp; thực hiện đầy đủ thủ tục giao, nhận về hàng hóa, tài liệu liên quan.

Không được chở và chở người trên cùng một phương tiện, trừ người có trách nhiệm trong việc vận chuyển; không dừng, đỗ phương tiện ở nơi đông người, khu vực dân cư, gần trạm xăng, dầu, nơi có công trình quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, ngoại giao. Trường hợp cần nghỉ qua đêm hoặc do sự cố phải thông báo ngay cho cơ quan quân sự, công an nơi gần nhất biết để phối hợp bảo vệ.

SỬ DỤNG VLN CN

Tổ chức, đơn vị sử dụng VLN CN phải được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh hoạt động ngành nghề, lĩnh vực cần sử dụng VLN CN; có hoạt động khai thác khoáng sản, dầu khí hoặc công trình xây dựng, nghiên cứu, thử nghiệm cần sử dụng VLN CN; có kho chứa, công nghệ, thiết bị, phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác sử dụng VLN CN đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; có địa điểm bảo đảm các điều kiện về AN, TT; người quản lý, chỉ huy nổ mìn, thợ nổ mìn và những người khác có liên quan phải đáp ứng yêu cầu về AN, TT; có đủ trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện về kỹ thuật PCCC.

Chỉ được mua VLN CN có trong Danh mục VLN Việt Nam từ các tổ chức kinh doanh VLN CN hợp pháp; VLN CN thừa, không sử dụng hết phải bán lại cho tổ chức kinh doanh VLN CN hợp pháp; có thiết kế, phương án nổ mìn được cơ quan cấp giấy phép nổ mìn phê duyệt và được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép, phù hợp với quy mô sản xuất, trong đó có các biện pháp bảo đảm an toàn khi nổ mìn, việc giám sát việc tiêu thụ, tiêu hủy VLN CN trong và sau khi nổ mìn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đề nghị sử dụng từ ngữ lịch sự hoặc nhận xét sẽ không bao giờ được hiển thị