Nhân rộng mô hình phòng cháy, chữa cháy ở TP Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh hiện nay có hơn 200.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó có gần 20.000 cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Qua ba năm thành lập Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) thành phố Hồ Chí Minh, công tác PCCC đã được thực hiện hiệu quả, góp phần giảm cả về số vụ cháy và thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.


Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật lớn của cả nước, với dân số gần tám triệu người. Trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố được giữ vững; kinh tế tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng cao so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Việc tham gia quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới đã tạo điều kiện cho thành phố phát triển, nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong đó có công tác PCCC trên địa bàn thành phố. Bên cạnh những công trình hiện đại, cao tầng, TP Hồ Chí Minh có hàng nghìn khu dân cư được xây dựng bằng vật liệu dễ cháy; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong các khu dân cư; hệ thống lưới điện ở một số khu vực đã xuống cấp không bảo đảm an toàn về PCCC; nhiều tuyến đường chật hẹp, xe chữa cháy lưu thông rất khó khăn mỗi khi có cháy xảy ra... Những năm trước đây, mỗi năm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra 300 vụ cháy, chiếm tỷ lệ 20% tổng số vụ cháy của cả nước. Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, cơ sở vật chất tập trung nhiều dẫn đến nguy cơ cháy, nổ ngày càng phức tạp.

Trước tình hình đó, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố phải sớm đáp ứng được về mô hình tổ chức; lực lượng phải chính quy, tinh nhuệ; phương tiện phải được trang bị hiện đại mới đáp ứng được yêu cầu bảo đảm công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn trong tình hình mới. Năm 2006, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất với Bộ Nội vụ và Bộ Công an đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thành lập Sở Cảnh sát PCCC trên cơ sở Phòng Cảnh sát PCCC - Công an TP Hồ Chí Minh. Trong ba năm qua, Sở Cảnh sát PCCC đã tham mưu cho HĐND, UBND thành phố thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về PCCC, tập trung hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, cơ quan, tổ chức và cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các quy định về PCCC; kiện toàn công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, thống kê, phân loại và quản lý các cơ sở về PCCC; triển khai mạnh mẽ chương trình cải cách hành chính, trong đó tập trung vào các công việc như thẩm duyệt về PCCC; cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC; cấp Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ, chất nổ, hàng nguy hiểm về cháy, nổ và phê duyệt phương án chữa cháy; đưa các thông tin nghiệp vụ PCCC, công khai các quy trình, quy định về công tác PCCC.

Sở Cảnh sát PCCC đã tập trung huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững tính năng tác dụng, cách sử dụng các phương tiện chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn mới được trang bị; huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy trong các tình huống phức tạp như chữa cháy trên cao, trên mặt nước, chữa cháy trong điều kiện thiếu nước, chiến thuật chữa cháy các đám cháy xảy ra vào ban đêm, trong môi trường cháy độc hại, nguy hiểm... tổ chức tốt công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu, luôn bảo đảm quân số và phương tiện, trực 24/24 giờ, nhận tin chính xác, xuất xe nhanh, tổ chức cứu chữa kịp thời các vụ cháy xảy ra trên địa bàn thành phố. Kết quả, mỗi năm giảm 18 người chết và bị thương, giảm 15 tỷ đồng thiệt hại do cháy nổ. Trong ba năm đã cứu được 98 người từ đám cháy, 37 người từ các vụ tai nạn, đưa được 50 người sơ tán khỏi vùng nguy hiểm của bão; lặn mò, tìm được 84 xác nạn nhân giao cho các địa phương và gia đình xử lý...

Qua ba năm triển khai thực hiện mô hình thí điểm, Sở Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh đã hoạt động có hiệu quả và phù hợp điều kiện thực tế của thành phố. Hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác PCCC được nâng lên rõ rệt, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về mặt nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và người dân; phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong công tác PCCC. Nhờ vậy, phần lớn các vụ cháy xảy ra đã được phát hiện và xử lý kịp thời góp phần ngăn chặn cháy lan, cháy lớn, bình quân hằng năm đã giảm được hơn 25% số vụ cháy; tham gia các vụ cứu hộ, cứu nạn xảy ra trên địa bàn thành phố, đáp ứng được yêu cầu đề ra, bảo đảm an toàn PCCC, góp phần bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, đồng thời khẳng định việc thí điểm thành lập Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh là đúng hướng, hiệu quả, phù hợp điều kiện thực tế của thành phố trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp quá trình cải cách hành chính hiện nay và xu thế phát triển của thế giới và khu vực. Tổ chức bộ máy quản lý công tác PCCC tại TP Hồ Chí Minh phù hợp yêu cầu hoạt động PCCC của các tỉnh, thành phố lớn. Đã hình thành hai cấp quản lý về công tác PCCC. Bảo đảm được sự lãnh đạo trực tiếp của lãnh đạo cấp trên và vai trò tham mưu trực tiếp của lực lượng Cảnh sát PCCC. Công tác tham mưu được thực hiện trực tiếp từ Sở Cảnh sát PCCC đến Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và Bộ Công an, không qua bước trung gian, nên việc tham mưu sâu hơn, cụ thể, hiệu quả và nhanh hơn so với trước. Các Phòng Cảnh sát PCCC quận, huyện thuộc Sở Cảnh sát PCCC cũng đã tham mưu giúp UBND các quận, huyện kiện toàn Ban chỉ đạo PCCC, tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung chỉ đạo của UBND thành phố và của cấp trên đến các phường, xã, các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình kịp thời và hiệu quả.

UBND thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Công an đã có sự thống nhất trong việc đầu tư kinh phí cho lực lượng Cảnh sát PCCC, trước mắt tập trung trang bị những phương tiện chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn cần thiết và sửa chữa doanh trại cho các đơn vị thuộc Sở Cảnh sát PCCC. Hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực PCCC được nâng lên rõ rệt, công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn nhanh hơn và hiệu quả hơn. Thủ trưởng các sở, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC; tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật và kiến thức về PCCC; xây dựng lực lượng, trang bị phương tiện và đầu tư cho hoạt động PCCC, bố trí đất để xây dựng các Phòng Cảnh sát PCCC quận, huyện; tổ chức tự kiểm tra xử lý các vi phạm an toàn PCCC.

Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố còn những nguy cơ tiềm ẩn. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC cho nhân dân còn hạn chế do thiếu lực lượng, phương tiện và kinh phí. Cần tăng cường hơn nữa quan hệ phối hợp giữa Sở Cảnh sát PCCC với các ban, ngành, đoàn thể, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức PCCC; xây dựng phong trào toàn dân PCCC sâu rộng, vững chắc, góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân bền vững. Các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu ban hành và bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về PCCC phù hợp thực tế và sự phát triển của xã hội. Đề nghị Chính phủ bổ sung chức năng, nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn cho lực lượng Cảnh sát PCCC; tăng cường biên chế và đầu tư trang bị phương tiện, đáp ứng yêu cầu thực tế PCCC trong tình hình mới. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho nhân rộng mô hình Sở Cảnh sát PCCC ra các thành phố trực thuộc trung ương và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, cơ sở trọng điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất có nguy cơ cháy, nổ cao. Tăng cường chức năng quản lý nhà nước về PCCC đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của đất nước trong thời gian tới.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đề nghị sử dụng từ ngữ lịch sự hoặc nhận xét sẽ không bao giờ được hiển thị