Sở hữu trí tuệ (Intellectual property(IP))

Sở hữu trí tuệ (hay tài sản trí tuệ) là một khái niệm đề cập đến sự sáng tạo của tư duy theo nghĩa rộng: các phát minh, công trình văn học nghệ thuật, và các biểu tượng, tên, hình ảnh và thiết kế được sử dụng trong thương mại… Sở hữu trí tuệ liên quan đến các dạng thức của thông tin và tri thức, có thể được thể hiện trong những vật thể hữu hình đồng thời được nhân bản thành vô số bản sao ở bất kỳ đâu trên thế giới. Tuy nhiên, khái niệm tài sản được đề cập đến ở đây không phải là những bản sao đó mà là lượng thông tin và tri thức chứa đựng trong chúng. Do vậy, sở hữu trí tuệ (tài sản trí tuệ) là một loại tài sản vô hình.

Do được hiểu theo nghĩa rộng và mở nên ngay cả Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cũng không đưa ra định nghĩa về SHTT mà chỉ đưa ra khái niệm về quyền sở hữu trí tuệ - quyền đối với các tài sản trí tuệ - đồng thời đưa ra các đối tượng được bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm:

• Các công trình văn học, nghệ thuật và khoa học;
• Các cuộc trình diễn của các nghệ sĩ biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát thanh truyền hình;
• Các phát minh trong mọi lĩnh vực do nỗ lực của con người;
• Các khám phá khoa học;
• Các kiểu dáng công nghiệp;
• Các nhãn hiệu thương mại của hàng hoá, dịch vụ, tên và thiết kế thương mại;
• Sự bảo hộ chống cạnh tranh không lành mạnh;
• Tất cả các quyền khác bắt nguồn từ hoạt động tư duy sáng tạo trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học, nghệ thuật.

Các đối tượng được bảo hộ bởi quyền sở hữu trí tuệ được quy định cụ thể tuỳ theo pháp luật của mỗi quốc gia.

Sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ là hai khái niệm luôn song hành. Quyền sở hữu trí tuệ cũng là một quyền tài sản, song do tính đặc thù của tài sản trí tuệ nên quyền sở hữu trí tuệ cũng có một số nét khác biệt cơ bản với các quyền tài sản khác. Nếu như các quyền tài sản khác đều được luật pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới bảo hộ một cách tuyệt đối thì quyền sở hữu trí tuệ lại có một số giới hạn nhất định. Trong đó, quan trọng nhất phải kể đến là giới hạn về không gian và thời gian:

Thứ nhất, về giới hạn không gian: Quyền sở hữu trí tuệ chỉ được bảo hộ trong phạm vi một quốc gia. Có nghĩa là nếu bạn có một tài sản trí tuệ và bạn đăng ký bảo hộ ở quốc gia A thì trong phạm vi quốc gia này, không ai được xâm phạm đến quyền sở hữu của bạn đối với tài sản đó. Tuy nhiên quyền này không hề có giá trị tại quốc gia B (hay C) khác, trừ khi các quốc gia này cùng tham gia một Điều ước quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đó. Khi đó, phạm vi không gian mà quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ đó được bảo hộ sẽ được mở rộng ra tất cả các quốc gia thành viên.

Thứ hai, về giới hạn thời gian: để cân bằng giữa quyền và lợi ích của chủ sở hữu tài sản trí tuệ và các lợi ích công, thông thường pháp luật của các quốc gia đưa ra một thời hạn bảo hộ đối với mỗi đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Trong thời hạn đó, quyền sở hữu trí tuệ là bất khả xâm phạm. Mọi hành vi nhằm sao chép, dịch thuật, phát thanh phát sóng và các hình thức phổ biến khác tài sản trí tuệ đó đều phải có sự cho phép của chủ sở hữu. Hết thời hạn bảo hộ này (bao gồm cả thời hạn gia hạn nếu có), tài sản đó trở thành tài sản chung của nhân loại, có thể được phổ biến một cách tự do mà không cần bất kỳ sự cho phép nào của chủ sở hữu. Ví dụ, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 của Việt Nam quy định: Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; Quyền của người biểu diễn được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình .v.v.

Tầm quan trọng của việc bảo hộ sở hữu trí tuệ được công nhận lần đầu tiên trong Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1883 và Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật năm 1886. Cả hai Công ước này hiện nay đều do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thực thi.

Thông thường các quốc gia đều có luật quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ vì hai lí do chính: Thứ nhất, tạo ra cơ sở pháp lý cho các quyền của người sáng tạo đối với sự sáng tạo của họ về cả khía cạnh kinh tế và đạo đức đồng thời cho quyền tiếp cận của công chúng đối với sự sáng tạo đó; Thứ hai, khuyến khích sự sáng tạo, phổ biến và áp dụng các sáng tạo đó đồng thời thúc đẩy thương mại lành mạnh để đóng góp cho sự phát triển kinh tế và xã hội.

Sở hữu trí tuệ được chia thành hai mảng: sở hữu công nghiệp và quyền tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đề nghị sử dụng từ ngữ lịch sự hoặc nhận xét sẽ không bao giờ được hiển thị