Bàn về tiêu chí thành lập công ty chứng khoán: Có nên giới hạn số lượng công ty chứng khoán trên TTCK?

Có thể nói sau gần 8 năm hoạt động, quy mô của thị trường chứng khoán (TTCK) đã có sự gia tăng khá mạnh. Trong những năm đầu, quy mô của thị trường còn rất hạn chế và rất ít tổ chức muốn tham gia hoạt động cung cấp các dịch vụ tài chính chứng khoán trên thị trường này, kể cả trong lĩnh vực niêm yết. Do đây là một lĩnh vực còn khá mới nên các định chế tài chính trung gian trong nền kinh tế như ngân hàng, bảo hiểm và các thành phần kinh tế khác trong xã hội chưa có đủ kinh nghiệm cũng như sự hiểu biết về chứng khoán và TTCK nên các tổ chức còn thận trọng cân nhắc trước khi tham gia.

Tuy nhiên, đến năm 2007, khi quy mô thị trường đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với các năm trước đó, giá trị vốn hóa thị trường năm đạt trên 43% GDP (xem bảng), cũng là lúc “bùng nổ” các tổ chức tài chính trung gian tham gia mạnh mẽ vào TTCK. Nếu như tại thời điểm năm 2001, khi TTCK Việt Nam mới đi vào hoạt động với chỉ 8 công ty chứng khoán (CTCK), thì tính đến cuối năm 2007 số lượng CtyCK tăng lên 78 công ty; đến tháng 4/2008 đã có 98 CTCK được cấp phép thành lập doanh nghiệp, trong đó có hơn 80 công ty đã hoạt động thực sự với vai trò là thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE) và Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC).

Bảng 1 và Biểu đồ 1: So sánh giá trị tuyệt đối theo các năm

Năm
2001

2004

2005

2006

2007

4/2008

Giá trị vốn hóa thị trường/GDP (%)
1,00

3,80

6,10

22,40

43,00

27,00

Số lượng CtyNY
5

15

41

193

249

280

Số lượng CtyCK
8

13

14

55

74

98



Bảng 2 và Biểu đồ 2: Mức tăng (lần) qua các năm

Năm
2001

2004

2005

2006

2007

4/2008

Giá trị vốn hóa thị trường/GDP


2,80

0,61

2,67

0,92

-0,36

Số lượng CTNY


2,00

1,73

3,71

0,29

0,12

Số lượng CTCK


0,63

0,08

2,93

0,35

0,32



Bảng 3 Mức tăng theo giai đoạn (lần)

Năm

2006/2001

2006/2005

2008/2006

2008/2001

Market Cap./GDP
21,40

2,67

0,24

26,7

Số lượng CTNY
37,60

3,71

0,45

55

Số lượng CTCK
5,88

2,93

0,78

11,25

Thấy gì qua phân tích số liệu thực tế?

Nhìn vào các bảng trên, chúng ta có thể thấy mức tăng của số lượng các CTCK trên thị trường với mức tăng của giá trị vốn hóa thị trường/GDP (Market Cap./GDP) và số lượng công ty niêm yết (CTNY) theo từng năm hoặc theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn 2001 – 2005  là giai đoạn các tổ chức tài chính chưa có đủ kinh nghiệm và hiểu biết về chứng khoán và TTCK nên số lượng CTCK trên TTCK rất hạn chế, đến năm 2005 toàn TTCK mới chỉ có 13 CTCK quản lý trên 29.000 tài khoản của các nhà đầu tư trên thị trường.

Giai đoạn 2005-2006  đã chứng kiến sự tăng trưởng đột biến của thị trường với số lượng các CTCK tăng gấp 3 lần so với năm trước. Giá trị vốn hóa của thị trường tính đến hết năm 2006 tăng hơn 20 lần so với năm 2001, tăng gần 3 lần so với năm 2005. Trong giai đoạn này, mức tăng của số lượng các CtyCK thấp hơn nhiều so với mức tăng của giá trị vốn hóa của thị trường/GDP và số lượng CTNY. Số lượng CtyNY cũng tăng gần 4 lần so với năm 2005 và đạt các chỉ tiêu tăng trưởng tốt. TTCK thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng đầu tư và các thành phần kinh tế. Giá cổ phiếu trên thị trường liên tục tăng trong một giai đoạn dài. Bối cảnh chung nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, xuất hiện nhiều cơ hội phát triển mới từ việc gia nhập WTO, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được duy trì ở mức hợp lý, đầu tư nước ngoài (ĐTNN) được đẩy mạnh. Tất cả những yếu tố này đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào một TTCK tiềm năng, với những kỳ vọng về các khoản lợi nhuận do thị trường đem lại... Nhiều tổ chức nhanh chóng gia nhập thị trường và mong muốn được “hưởng một phần của chiếc bánh” lợi nhuận từ TTCK. Do vậy, nhu cầu thành lập CTCK tăng mạnh là điều dễ hiểu.

Mặt khác, 2006 còn là năm bản lề, trước khi Luật Chứng khoán có hiệu lực. Những tổ chức tài chính muốn gia nhập thị trường đứng trước sức ép phải “nhanh chân” trước khi yêu cầu về vốn để thành lập CTCK tăng từ 44 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng theo quy định của Luật Chứng khoán, khi luật này có hiệu lực. Đồng thời, cơ chế ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho các CTCK mới thành lập sắp được bãi bỏ. Điều này dẫn đến một số lượng lớn hồ sơ nhanh chóng được hoàn tất và đệ trình cơ quan chức năng để được hưởng các khoản ưu đãi trên.

2006-2008 là giai đoạn thị trường biến động ổn định hơn  trước khi xảy ra những diễn biến phức tạp về kinh tế, tài chính toàn cầu cuối năm 2007 đầu 2008 khi thị trường liên tục suy giảm. Trong giai đoạn này, số lượng các CTCK tăng ở mức cao hơn so với mức tăng của giá trị vốn hóa thị trường/GDP và số lượng CTNY. Sở dĩ như vậy là do nhu cầu thành lập CTCK vẫn lớn trong khi giá sụt giảm liên tục, khiến cho giá trị vốn hóa thị trường giảm mạnh. Giả thiết, nếu thị trường vẫn ở mức chiếm 40-50% GDP thì tương quan này có thể khác rất nhiều. Một nhân tố khác phải tính đến, đó là năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO, đồng nghĩa với việc phải có lộ trình thực hiện các cam kết về dịch vụ tài chính, chứng khoán. Theo đó, ngay từ khi gia nhập WTO, CTCK nước ngoài được góp vốn, liên doanh với đối tác trong nước với tỷ lệ không quá 49%. Sau 5 năm kể từ ngày gia nhập WTO, CTCK nước ngoài được phép thành lập chi nhánh, CTCK 100% vốn nước ngoài. Điều này mở ra triển vọng cho ngành dịch vụ chứng khoán tại Việt Nam khi đang chờ đón làn sóng kinh doanh mới từ việc gia nhập WTO. Đồng thời, theo cam kết WTO, cơ quan quản lý không có lý do gì để đưa ra hạn chế về số lượng giấy phép kinh doanh, đặc biệt trong hoàn cảnh các công ty nước ngoài chưa đến thời điểm được gia nhập thị trường. Theo dõi mức tăng qua các năm 2001-2008 để thấy được sự biến động của các con số trong toàn bộ lịch sử của thị trường. Theo số liệu tại Bảng 2 và 3, qua từng năm, có thể dễ dàng nhận thấy mức tăng của số lượng các CtyCK trên thị trường là thấp hơn so với mức tăng của giá trị vốn hóa thị trường/GDP và mức tăng của số lượng CtyNY, trừ giai đoạn 2005 - 2006. Biểu đồ 2 cho thấy mức tăng của số lượng CTCK luôn biến thiên cùng chiều với mức tăng của hai chỉ tiêu còn lại.

Việc phân tích một cách tương đối đơn giản các con số như trên cho thấy, sự gia tăng của số lượng các CTCK trong thời gian vừa qua có xu hướng phù hợp với xu hướng gia tăng của quy mô và hàng hóa trên thị trường. Giá trị thị trường tăng mạnh, số lượng hàng hóa lớn đòi hỏi một lực lượng trung gian thị trường mạnh có tiềm lực tài chính, công nghệ, chuyên môn tốt. Mặt khác, khi thị trường phát triển trong giai đoạn nóng, số lượng CTCK dù tăng nhanh vẫn chưa thể đáp ứng được đòi hỏi giao dịch của nhà đầu tư, cũng như nhu cầu về tư vấn cổ phần hóa (CPH), tư vấn niêm yết. Năm 2001 chỉ có 8.700 tài khoản nhà đầu tư, năm 2006 tăng lên 72.700 tài khoản, năm 2007 là 303.980 tài khoản và đến đầu năm 2008 là 383.980 tài khoản. Có thể thấy sự quá tải của các CTCK trong giai đoạn 2006-2007 trong việc thực hiện các nghiệp vụ môi giới, tư vấn niêm yết. Mặt khác, số lượng CTCK tuy tăng nhưng về cơ bản, số lượng chi nhánh vẫn hạn chế (tính đến cuối 2007 chỉ có 45 chi nhánh/78 CTCK). So sánh với các nước, ví dụ tại Nhật Bản hay Hàn Quốc, các CTCK thường có chi nhánh, đại lý nhận lệnh tại hầu khắp các địa phương trong cả nước. Tất nhiên, đó là ở những nước có lịch sử thị trường lâu dài và văn hóa đầu tư phát triển. Nói như vậy là để thấy được phạm vi hoạt động xét về địa bàn của các CTCK tại Việt Nam hiện nay là tương đối hạn chế, chủ yếu chỉ tập trung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. So với nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư, nhu cầu tư vấn CPH, niêm yết và tiềm năng phát triển của thị trường, thiết nghĩ với số lượng CTCK như hiện nay chưa phải là nhiều, nhất là trong điều kiện thị trường phát triển mạnh, không bị sụt giảm như những năm 2006 -2007.

Mặt khác, sự phát triển của các tổ chức trung gian thị trường đã đáp ứng nhu cầu giao dịch ngày càng tăng của nhà đầu tư, đa dạng hóa chất lượng dịch vụ, cũng như tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh giữa các CTCK. Sự có mặt ngày một nhiều của các tổ chức tài chính trung gian đã góp phần hỗ trợ công tác tạo hàng cho thị trường thông qua các nghiệp vụ tư vấn CPH; tổ chức thực hiện đại lý đấu giá CPH, góp phần tích cực vào thúc đẩy tiến trình CPH và thúc đẩy phát triển hàng hóa cho thị trường... đồng thời, làm trung gian tài chính đưa một lượng tiền lớn của nhà đầu tư vào thị trường, hỗ trợ mặt cầu cho thị trường, cũng như thực hiện nhiều nghiệp vụ tư vấn doanh nghiệp, giúp khu vực doanh nghiệp tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Trong giai đoạn thị trường sụt giảm liên tục do chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay, chúng ta không nên đặt ra câu hỏi “số lượng CTCK như vậy là có nhiều quá không?”, mà nên thay thế bằng câu hỏi khác là “liệu cơ quan quản lý có nên giới hạn số lượng các CTCK trên thị trường?”. Trên thực tế, trong giai đoạn đầu phát triển thị trường hay trong suốt thời gian thị trường tăng trưởng mạnh, giá tăng liên tục, nhà đầu tư, nhà phát hành, nhà cung cấp dịch vụ đều “vui vẻ” và dường như không ai quan tâm tới vấn đề này. Trong giai đoạn này, các quy định về thành lập CTCK rất đơn giản. Nhà nước còn áp dụng chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích thành lập CTCK. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm đầu, giảm 50% thuế trong 3 năm tiếp theo, ưu đãi thuế 20% (thay vì 28%). Ngay cả khi ban hành Luật Chứng khoán (cuối 2006), các điều kiện cơ bản để xin thành lập CTCK cũng rất dễ dàng.

Tuy nhiên, trước tình hình nhu cầu lập CTCK tăng mạnh, Bộ Tài chính khi dự thảo Nghị định 14 và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán đã nâng tiêu chí thành lập CTCK. Theo đó,yêu cầu về vốn được tăng từ 44 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng, yêu cầu phải có vốn thực góp, yêu cầu kiểm toán tổ chức góp vốn, yêu cầu về năng lực giám đốc... đặc biệt là ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với CTCK mới thành lập được bãi bỏ. Mặc dù vậy, số lượng hồ sơ xin cấp phép vẫn tăng mạnh. Do kinh doanh chứng khoán là ngành kinh doanh có điều kiện nên nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, đáp ứng được mọi yêu cầu của pháp luật, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vẫn phải cấp phép. Nhưng khi thị trường suy giảm, cũng theo đà suy giảm của thị trường toàn cầu, giá cổ phiếu liên tục giảm mạnh, cộng với khó khăn chung của nền kinh tế, áp lực suy giảm của thị trường... đã tác động xấu tới các CTCK khiến hoạt động của các công ty ngày càng khó khăn, doanh thu giảm sút. Có thể nhận thấy, đây đang là thời điểm để mọi đối tượng tham gia thị trường có thể nhìn nhận lại hành động của mình một cách cẩn trọng để ít nhất là tránh những tổn thất lớn trong tình hình khó khăn chung. Về phía cơ quan quản lý, UBCKNN đã công bố tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép thành lập về hoạt động CTCK để xem xét, đánh giá lại hoạt động của CTCK. (Mặc dù về nguyên tắc, hiện không có quy định gì về việc giới hạn số lượng giấy phép cấp ra là bao nhiêu, hoặc trong trường hợp nào thì ngừng cấp phép thành lập CTCK).

Liệu đây đã phải là lúc giới hạn số lượng CTCK trên thị trường?

Bài học từ các thị trường mới nổi cho thấy, tại TTCK Trung Quốc trước đây có số lượng CtyCK lên đến 2.000 công ty, nhưng đến thời điểm sụt giảm còn 70 công ty, và hiện nay là 107 công ty. TTCK Đài Loan thời điểm cao nhất có 278 công ty, sau đó sụt giảm còn 48 công ty. TTCK Thái Lan trước đây cũng có tới hơn 200 CTCK, sau đó giảm xuống còn hơn 50 công ty. Việc giảm số lượng các CTCK tại các nước thường được thực hiện thông qua việc tăng yêu cầu về mức vốn của các CTCK (đây cũng là điều kiện cơ bản và khó nhất khi lập CTCK). Điều này dẫn đến hàng loạt các cuộc sáp nhập, thâu tóm, hợp nhất giữa các công ty. Liệu các CTCK còn non trẻ của Việt Nam đã sẵn sàng cho quá trình này chưa? Mặt khác, theo cam kết về dịch vụ chứng khoán khi Việt Nam gia nhập WTO, vào năm 2012, các CTCK nước ngoài được phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh, CTCK 100% vốn tại Việt Nam. Giới hạn số lượng CTCK lúc này sẽ đặt các CtyCK trong nước vào nguy cơ bị thâu tóm bởi các công ty nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh. Kinh doanh dịch vụ chứng khoán nhiều khả năng sẽ trở thành sân chơi do các nhà cung cấp dịch vụ khổng lồ nước ngoài thống trị, trong khi các công ty trong nước với kinh nghiệm còn non trẻ, tiềm lực kinh tế còn mỏng khó lòng sống sót trong cuộc cạnh tranh sắp tới. Do vậy, nếu dùng biện pháp tăng yêu cầu về vốn để khống chế số lượng các CTCK thì cần cân nhắc tăng đến bao nhiêu là hợp lý?

Yêu cầu về vốn 300 tỷ đã là một con số tương đối lớn đối với một nhà cung cấp dịch vụ trong nước, bởi thiết nghĩ CTCK không cần thiết phải có số vốn lớn đến như một ngân hàng thương mại (hiện mức vốn tối thiểu là 1.000 tỷ đồng), đồng thời cần cân nhắc tới tương quan với tổng giá trị vốn hóa thị trường và số lượng hàng hóa trên thị trường. Nên chăng, chúng ta nên tập trung vào việc nâng tiêu chí thành lập CTCK dưới góc độ nâng cao chất lượng như việc bắt buộc khi thành lập CTCK mới cần phải có sự tham gia của các định chế tài chính lớn như ngân hàng, bảo hiểm... Một vấn đề nữa đặt ra là số lượng các CTCK khi thị trường sụt giảm sẽ là bao nhiêu và khi thị trường tăng trưởng trở lại thì bao nhiêu là đủ? Trong mọi thời điểm, thiết nghĩ, vấn đề chất lượng nên được đặt lên hàng đầu, nhất là trong tình hình thị trường hiện nay, việc tăng cường năng lực cho đội ngũ trung gian thị trường càng là vấn đề cấp thiết.

Thực tế sau gần 8 năm đi vào hoạt động, TTCK ngày càng trở thành một thể chế kinh tế quan trọng trong công cuộc cải cách, mở cửa, hội nhập với nền kinh tế thế giới. TTCK cũng góp phần quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh, môi trường đầu tư của Việt Nam với nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt nhấn mạnh sự quyết tâm đổi mới nền kinh tế theo hướng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước. Chỉ tính riêng trên TTCK tập trung, tổng danh mục ĐTNN cuối năm 2007 đã trên 8 tỷ USD. Sự lành mạnh, ổn định của TTCK góp phần ổn định kinh tế, thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, phục vụ cho tăng trưởng. Trong thời điểm khó khăn chung của nền kinh tế, việc đưa ra những quyết sách đúng đắn để duy trì, ổn định, và tiếp tục phát triển thị trường là vô cùng quan trọng. Hành động như thế nào để tiếp tục phát triển một ngành kinh doanh dịch vụ còn non trẻ, nhiều triển vọng nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức, thiết nghĩ, cần sự quan tâm, cân nhắc của không chỉ cơ quan quản lý mà còn là của mọi thành viên tham gia thị trường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đề nghị sử dụng từ ngữ lịch sự hoặc nhận xét sẽ không bao giờ được hiển thị