24 năm, nợ cha một lời xin lỗi!

"Cánh cò cõng nắng qua sông
Chở luôn nước mắt cay nồng của cha"
(Thích Nhuận Hạnh)
Cha kính yêu!
Chiều qua, cuộc điện thoại đường dài hơn 3 tiếng với cha là cuộc gọi chứa đựng biết bao hờn tủi của đứa con gái phải sống tha phương sau 24 năm con sống kiếp con người. Bao nhiêu chất chứa trong lòng con như những con sóng trong cơn bão biển. Đã bao tháng năm, con cố tìm quên những ký ức đổ vỡ trong tâm hồn mình. Những lời oán trách và cả những khi tủi hờn khi một mình trơ trọi với cuộc đời. Con tự nhủ lòng, giá như con có cha thì cuộc đời con đã khác. Và cũng chính vì điều này vô tình con đã nợ cha một lời xin lỗi trong từng ấy năm.
Có lẽ con là đứa con kém may mắn nên phải tận mắt chứng kiến cuộc chia ly của hai đấng sinh thành. Dù chưa bao giờ muốn nhưng con phải chấp nhận sự thật là ngoài hai anh em con, cha còn có một người con khác nữa. Lúc đó, con thực sự căm ghét cha rất nhiều.
Con nhớ mỗi lần cha ghé thăm, con đều cố tình lảng tránh. Cảm giác khó chịu và lầm lì trổi dậy trong con được thốt lên bằng những lời nói cộc lốc.
- Con à! Con học hành thế nào? Có khó lắm không con?
- Cũng bình thường.
- Cuối tuần này cha chở con và anh hai đi công viên chơi nha?
- Không rảnh, bận học rồi.
Mỗi câu trả lời chứa đựng lòng căm giận trong lòng con và dường như cha hiểu được điều đó. Con nhớ dáng cha lặng lẽ bước xuống đò, đôi mắt u buồn như tự oán trách chính mình.
Sự chật vật khó khăn khi thấy mẹ một mình bươn chải để lo cho cuộc sống càng khiến con ngày càng mang một nỗi oán hận cha lớn hơn. Có lần con đã nói: “Ông đừng về nhà nữa, tôi không cần ông thương hại. Ông hãy về mà lo cho hạnh phúc của mình”. Vừa nói con vừa đẩy cha, vô tình làm cha ngã vào bình hoa ngay cửa chính. Bình hoa bị vỡ cứa vào cánh tay cha, túa máu. Con vẫn điềm nhiên không chút gì lo lắng bỏ mặc bóng cha lủi thủi đi về.
Sau lần đó, cha hạn chế ghé sang nhà, thỉnh thoảng lại nhờ người gửi đồ cho ba mẹ con. Anh hai hiểu chuyện nên khuyên con: “Có lẽ cha mẹ đã hết duyên nợ, em đừng có những hành động vô lễ với cha. Dù gì ông cũng là người sinh ra hai anh em mình đó”.
Nhưng con vẫn bỏ ngoài tai những lời khuyên của anh hai. Cha thì muốn con tập trung học hành nên dần dà cha cũng ít lui tới như trước.
Ngày con chuẩn bị đi thi đại học, mẹ nói để mẹ gọi cho cha sắp xếp đưa con đi thi. Con đã cáu gắt bảo: “Con không cần ai đưa đi hết, nếu mẹ không đi được thì con tự đi”. Nhưng rồi mẹ nói mẹ bệnh, không yên tâm để con đi một mình nên đã gọi cha đưa đi. Cha biết không, lúc đó bao suy nghĩ rối bời trong lòng con, nửa cảm thấy bớt lo sợ vì chưa bao giờ con đi xa nhà một lần, nửa lại hờn giận vì ghét cha vẫn âm ỉ trong lòng.
Sau mỗi buổi thi, biết cha vẫn ngồi trước cổng đợi nên dù có nộp bài thi sớm, con vẫn cố tình ngồi lại trong sân trường chờ cho mọi người về hết. Con để cha ngồi chờ đến hết ngày, khi gặp thì con không nói chuyện với cha một câu, dù cha vẫn cố gắng hỏi han xem con làm bài có được không. Thậm chí ngày thi cuối kết thúc, cơn mưa ập đến khiến cha đứng co ro ngoài cổng tới ướt sũng mình nhưng con vẫn vô tâm ngồi ấm áp trong trường mặc cha cứ ngó ra ngó vào tìm kiếm.
Rồi con trúng tuyển đại học, con lên Sài Gòn bắt đầu cuộc sống sinh viên và đã không gặp cha một lần nào nữa. Sau đó, con có nghe loáng thoáng mẹ bảo: “Hôm đưa con đi thi, khi về cha mày bị sốt mấy ngày mới khỏi. Nghe cô Ba nói ổng theo tàu đánh cá ở Sông Đốc lâu lâu mới về, nhắn con ráng lo học”.
Ở Sài Gòn, vì kinh tế gia đình khó khăn nên ngoài thời gian học ở trường con tranh thủ xin làm thêm đủ thứ việc từ phục vụ quán ăn, dạy kèm… Hàng tháng ngoài số tiền mẹ gửi, con còn nhận được một ít từ chú Út. Có lần con thắc mắc thì chú bảo: “Thấy con đi học xa, mẹ con cũng vất vả, để chú phụ cho mẹ con. Chú chưa có vợ con chú lo cho mày như con chú thôi”. Con không hoài nghi về số tiền đó. Mà cũng nhờ có số tiền thêm đó mà năm cuối đại học, con đã bớt thời gian đi làm thêm để tập trung cho việc học hơn. Kết quả ra trường con đạt thành tích khá giỏi, nhanh chóng có một công việc phù hợp.
Nhiều lần gọi điện về thăm nhà, mẹ nhắc con gọi điện hỏi thăm cha. Con ậm ừ rồi lảng đi. Có hôm con gọi điện thăm nội, chú Út lại nói vọng: “Con gái anh Hai gọi nè, nói chuyện với nó kìa”. Con vội vàng ngắt máy mà không chờ tiếng alo đầu dây kia.
Con đã quá vô tình với cha chừng ấy năm, cho đến ngày con biết một sự thật. Số tiền hơn bốn năm chú Út gửi cho con chính là số tiền từng ấy năm cha phải lênh đênh trên biển. Hậu quả của những tháng ngày đó là thính giác cha đã mất cho đến bây giờ, chân cha đã bị tật khi thuyền đánh cá gặp bão lớn. Thế nhưng cha vẫn dặn mọi người đừng nói gì cho con biết.
Và cuộc điện thoại chiều qua dài hơn ba giờ là tất cả những gì con muốn nói sau bao năm con im lặng. Khoảng thời gian đó, con luôn dằn vặt lương tâm chính mình. Con đâu biết rằng hôm nay con có được như thế này là chính nhờ vào sự hy sinh thầm lặng của cha. Không một lời oán trách, không một lời la mắng dành cho đứa con bất hiếu.
Con xin lỗi cha, trong lòng con cha vẫn luôn là người cha kính yêu nhất. Con biết những lỗi lầm của quá khứ không thể nào thay đổi được. Nhưng bằng tình thương và lòng bao dung cha sẽ tha thứ cho con đúng không cha?
Người ta vẫn thường nói: “Còn cha gót đỏ như son, đến khi cha mất gót con dính bùn”. Giờ đây con rất muốn về nhà và quỳ dưới chân cha, để con thấy hạnh phúc từ cái nhìn trìu mến, để con nhận từ cha lời tha thứ cho những lỗi lầm đã qua, để con nhìn thấy bóng dáng người cha đáng kính, để một lần cha ôm con vào lòng và nói: “Cha rất thương con, con gái nhỏ của cha!”.
Ngọc Thưa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đề nghị sử dụng từ ngữ lịch sự hoặc nhận xét sẽ không bao giờ được hiển thị